Mụn trứng cá thường khó tránh khỏi khi các bạn trẻ bước vào tuổi dậy thì và gây khá nhiều phiền toái, nhất là về thẩm mỹ. Đừng lo, với 10 cách trị mụn trứng cá tuổi dậy thì ngay sau đây, các nốt mụn chỉ còn là chuyện nhỏ.

 Nguyên nhân gây mụn trứng cá tuổi dậy thì

Trong độ tuổi dậy thì, nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi một cách mạnh mẽ, nhất là androgen (một loại nội tiết tố sinh dục) tăng đột biến. Hormone androgen có vai trò kích thích tuyến bã trên da hoạt động, dẫn đến lượng dầu nhờn được sản xuất quá nhiều sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn trứng cá. Ngoài ra, androgen còn tạo điện kiện thuận lợi cho vi khuẩn Propionibacterium acnes (một loại vi khuẩn gây mụn trứng cá) phát triển.

10 cách trị mụn trứng cá tuổi dậy thì

Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì có thể được cải thiện khi áp dụng phương pháp thích hợp. Bài viết sẽ cung cấp cho các bạn 10 cách trị mụn trứng cá tuổi dậy thì cực đơn giản ngay từ việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống.

1. Rửa mặt hai lần/ ngày

Chắc hẳn khi nghe đến việc nên rửa mặt hai lần một ngày đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Tuy nhiên lý do tại sao thì nhiều người chưa chắc đã hiểu. Việc rửa mặt sẽ giúp loại bỏ đi dầu dư thừa, tế bào da chết và bụi bẩn – các yếu tố góp phần gây ra mụn trứng cá. Đa số mọi người thường rửa mặt nhiều lần trong ngày, khiến dầu nhờn trên da bị mất đi hoàn toàn làm cho da càng khô ráp và điều này không hề tốt cho da mụn. Vì vậy, dù bị mụn trứng cá hay không thì chúng ta cũng chỉ nên rửa mặt hai lần/ ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ.

2. Bôi toner

Toner như lotion hay nước hoa hồng đã quá quen thuộc với các bạn gái. Việc thoa toner sau khi rửa mặt sẽ giúp cân bằng độ pH của da, làm sạch sâu (loại bỏ cặn sữa rửa mặt, dầu nhờn, bụi bẩn còn sót lại). Do đó, đối với người bị mụn trứng cá, toner sẽ hỗ trợ ngăn ngừa cũng như cải thiện tình trạng.

3. Thoa serum mỗi ngày

Serum (huyết thanh) là một sản phẩm dưỡng da, dạng lỏng, chứa các phân tử cực nhỏ, có khả năng thấm sâu vào da. Việc bôi serum (loại dành cho da mụn) hàng ngày sau khi thoa toner sẽ giúp giảm viêm, giảm mụn trứng cá, dưỡng ẩm cho da.

4. Bôi kem dưỡng ẩm

Nhiều bạn cho rằng, với da bị mụn trứng cá thường nhiều dầu rồi nên không cần phải dưỡng ẩm. Đây là một quan niệm sai lầm. Bởi các sản phẩm trị mụn hay đơn giản là sữa rửa mặt có thể khiến da bị khô và điều này không hề tốt. Việc sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ giúp da không bị khô và bong tróc. Đối với người bị mụn trứng cá nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm không chứa các thành phần làm bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic products).

5. Tẩy da chết

Đối với người bị mụn trứng cá nên tránh chà xát lên vùng da bị mụn nhưng không có nghĩa là không nên tẩy da chết. Tẩy da chết sẽ giúp loại bỏ các tế bào già cỗi – một trong những yếu tố góp phần gây ra mụn trứng cá. Tuy nhiên, các bạn cần thực hiện một cách cẩn trọng, nên sử dụng loại tẩy da chết hóa học thay vì dạng hạt bởi sẽ không gây kích ứng da. Người bị mụn trứng cá chỉ nên thực hiện tẩy da chết 1-2 lần/ tuần.

6. Bôi kem chống nắng

Nếu bạn nghĩ rằng đối với làn da bị mụn trứng cá, sử dụng kem chống nắng sẽ làm bệnh nặng hơn thì bạn đã sai. Tia UV của mặt trời sẽ khiến làn da bị sạm, không đều màu và mụn mọc nhiều hơn. Nhất là khi bạn đang sử dụng thuốc điều trị mụn trứng cá thì càng nên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài vào ban ngày kể cả khi trời không nắng.

7. Điều trị mụn trứng cá

Tùy theo mức độ nặng của mụn trứng cá mà quyết định việc bạn có nên dùng thuốc điều trị hay không. Với những vết mụn đầu trắng hay đầu đen, các bạn có thể chỉ cần chăm sóc da đúng cách. Nhưng với các vết mụn bọc hay mụn mủ, nếu không được điều trị sẽ khá nguy hiểm. Lúc này các bạn có thể sử dụng một số thuốc không kê đơn tại nhà hoặc đi đến chuyên khoa da liễu để được điều trị.

8. Tránh nặn hay chạm vào mụn trứng cá

Dù biết rằng khi bị mụn trứng cá, bạn sẽ khó có thể chống lại được sự cám dỗ của sờ hay nặn để loại bỏ các nốt mụn đáng ghét ngay và luôn ra khỏi khuôn mặt. Tuy nhiên, chúng ta nên kiềm chế hành động này bởi hậu quả của nặn mụn có thể làm mụn trứng cá bị lây lan ra các vùng da lành xung quanh, nhiễm trùng và để lại sẹo thâm.

9. Uống nhiều nước

Cơ thể chúng ta có tới 70% là nước. Vai trò của nước trong cơ thể đó là mang các chất dinh dưỡng tới các tế bào và chất độc ra khỏi cơ thể. Khi cơ thể bị thiếu nước, hai quá trình này sẽ bị ảnh hưởng, nhất là việc thải các độc tố ra khỏi da và cơ thể bị ngưng trệ. Điều này sẽ khiến mụn trứng cá mọc nhiều hơn. Vì vậy, những người bị mụn trứng cá nên uống nhiều nước mỗi ngày.

10. Bổ sung vitamin, khoáng chất

Một số loại vitamin và khoáng chất như vitamin A, kẽm và acid béo omega-3 đã được biết đến là giúp giảm viêm cho mụn trứng cá. Vitamin A giúp giảm các đợt bùng phát của mụn trứng cá và giúp nhanh lên da non. Kẽm giúp kiểm soát lượng dầu nhờn mà tuyến bã tiết ra. Acid béo omega-3 có đặc tính chống viêm. Do đó, việc bổ sung vitamin A, kẽm và acid béo omega-3 thông qua thực phẩm hay các chế phẩm bổ sung là rất tốt cho người bị mụn trứng cá.

Với 10 cách trị mụn trứng cá tuổi dậy thì đơn giản, dễ thực hiện bên trên, các bạn sẽ không còn phải lo lắng về các nốt mụn nữa. Đặc biệt, giải pháp an toàn từ kem bôi thảo dược sẽ giúp các bạn kiểm soát và ngăn ngừa mụn hiệu quả!