Mụn trứng cá là một loại bệnh về da khá phổ biến, đặc biệt thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì (từ 13-22 tuổi) và có thể kéo dài sang các độ tuổi khác. Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá là do tình trạng viêm các lỗ chân lông nơi mồ hôi và tuyến bã nhờn tiết ra, vì thế bệnh thường xuất hiện ở người có làn da nhờn hoặc hỗn hợp.
 
Mụn trứng cá là bệnh lý ngoài da thông thường, nhưng ảnh hưởng khá lớn đến diện mạo, tâm lý... của bệnh nhân khi mà lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là thanh thiếu niên với nhu cầu giao tiếp xã hội cao. Người bệnh luôn có cảm giác bối rối, bất an, mất tự tin khi tiếp xúc với người khác.

Nguyên nhân gây nên mụn trứng cá:
Như chúng ta đều biết: Mụn trứng cá biểu hiện trên da là hiện tượng viêm nang lông tuyến bã. Bình thường, tuyến bã nhờn - một loại tuyến tiết trong cơ thể, tiết ra chất bã nhờn (Sebum) có tác dụng làm trơn bề mặt da. Sự bài tiết của tuyến bã nhờn chịu ảnh hưởng trực tiếp của hormon sinh dục nam (Androgen). Khi hormon này hoạt động mạnh sẽ kích thích các tuyến bã nhờn tăng tiết, đào thải chất bã ra ngoài.
 
Vì một nguyên nhân nào đó khiến miệng tuyến bã bị tắc nghẽn, hoặc tuyến bã nhờn bài tiết quá mức làm cho các chất tiết không được bài tiết kịp mà tích tụ tại lỗ chân lông. Nếu cộng thêm tác động của vi khuẩn có sẵn trong nang lông tuyến bã (P. acnes) tăng sinh, hoặc kèm theo bội nhiễm của một số vi khuẩn khác như: tụ cầu, P. ovale… gây nên tình trạng mụn mủ, mụn bọc với biểu hiện sưng, nóng đỏ đau.
 
Trường hợp không bị nhiễm trùng sẽ tạo thành mụn đầu trắng, bị bịt kín. Khi mụn đầu trắng bị hở ra bên ngoài và gặp hiện tượng oxy hóa thì phần ngoài của nhân mụn sẽ trở thành màu đen, nên gọi là mụn đầu đen.
 
Một số yếu tố làm bệnh trứng cá nặng thêm như: Yếu tố thần kinh (stress, mất ngủ…), thay đổi nội tiết (hay gặp ở lứa tuổi dậy thì, kỳ kinh nguyệt…), rối loạn tiêu hóa (táo bón), ăn đồ cay nóng, uống rượu bia nhiều… Kết hợp với việc chăm sóc da không đúng cách: thói quen nặn mụn, sử dụng mỹ phẩm không hợp với da và đặc biệt là việc lạm dụng chế phẩm bôi ngoài da chứa Corticoid (như Dexamethasol, Betamethazol…).
 
Theo quan niệm của Đông y, mụn trứng cá do phong nhiệt tích tụ ở kinh phế sinh ra (phế chủ bì mao), hoặc do huyết nhiệt, hoặc do ăn nhiều chất cay nóng, đường, mỡ sinh thấp nhiệt tích tụ trên da, hoặc do tỳ chuyển hóa kém (tỳ chủ vận hóa) làm giảm quá trình thanh thải nhiệt độc trong cơ thể… ảnh hưởng tới cân bằng sinh lý da gây nên mụn trứng cá. 
 
Tình trạng “gan nóng” có thể chỉ là một khía cạnh nhỏ gây nên mụn trứng cá, chứ không thể coi là nguyên nhân gây nên mụn trứng cá. 
 
Điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá:
Hiện chưa có phương pháp nào giúp phòng mụn trứng cá hoàn toàn. Do vậy, giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả mụn trứng cá cũng như ngăn ngừa mụn mọc thêm, các bác sĩ chuyên khoa da liễu đưa ra phác đồ khuyến cáo chung:
 
- Chăm sóc da đều đặn mỗi ngày, rửa mặt nhẹ nhàng, rửa sạch mặt trước khi đi ngủ, ngay khi ra đường về không chà xát da quá mạnh và quá thường xuyên, tôn trọng cấu trúc da. Không tự ý cạy, nặn mụn.
 
- Tránh làm việc gây đổ mồ hôi quá nhiều. Tắm và lau sạch cơ thể sau khi ra nhiều mồ hôi.
 
- Trường hợp mụn mủ có thể bôi chế phẩm chứa kháng sinh, kháng khuẩn (khi dùng kháng sinh đường uống phải theo chỉ dẫn của bác sĩ), hoặc một số chế phẩm giúp giảm sừng hóa, tan nhân mụn.
 
- Không thoa các loại mỹ phẩm lên da, nhất là dạng crème (kem), dạng dầu...
 
- Không dùng corticoide. 
 
- Kết hợp uống các thảo dược có tác dụng từ từ giúp tái lập cân bằng sinh lý da, tăng hiệu quả điều trị mụn trứng cá của các thuốc tác dụng tại chỗ. Từ đó tạo tác dụng hiệp đồng giúp mụn trứng cá nhanh khỏi hơn đồng thời giảm nguy cơ mụn mọc thêm và tái phát.