Mụn xuất hiện ở vị trí nào trên mặt, cổ, lưng hay chân đều là cảnh báo của một bệnh cụ thể, bạn cần lưu ý để điều trị cho đúng.

Không có gì khiến bạn khó chịu hơn là phải xuất hiện trước mọi người với một gương mặt đầy mụn. Tuy nhiên, tình trạng da của bạn chính là biểu hiện phản ánh sức khỏe của các bộ phận khác trong cơ thể.

Mụn ở trán

Theo y học Trung Quốc, mụn ở vùng trán cho biết cơ thể bạn đào thải độc tố như thế nào, bạn có ăn quá nhiều thịt đỏ, chất béo bão hòa và uống rượu hay không. Mụn xung quanh khu vực lông mày có thể là biểu hiện của sự căng thẳng.

Một nguyên nhân khác gây ra mụn ở trán có thể là do các hóa chất ở tóc có tác động lên vùng trán, gây mụn.

Phòng tránh: Nên ăn nhiều trái cây tươi, rau quả, uống các loại trà thảo dược và nước. Cắt giảm lượng thịt và rượu, giữ cho tóc của bạn sạch sẽ, tránh ra nhiều mồ hôi.

Mụn ở má

Phát ban và nổi mụn trên má có thể là một dấu hiệu bạn đang bị viêm da, dị ứng da nhẹ với các sản phẩm chăm sóc da, phấn trang điểm, nước hoa...

Phòng tránh: Tránh các yếu tố dễ gây viêm da, bao gồm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, uống rượu, thời tiết quá lạnh và thức ăn cay... Cắt giảm các sản phẩm từ sữa cũng có thể giúp tránh mụn trứng cá. Bạn cũng có thể thử dùng một loại kem dưỡng da dành cho da nhạy cảm.

Mụn ở quanh miệng

Người bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có xu hướng bị mụn trứng cá quanh miệng và cằm, vì vậy nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng khác lạ liên quan đến mụn quanh miệng thì nên đi khám bác sĩ sớm. Ngoài ra, một số triệu chứng khác dễ nhận thấy khi bị PCOS là có nhiều lông trên cơ thể, khó khăn trong việc thụ thai, tăng cân, kinh nguyệt không đều và rụng tóc.

Trong một số trường hợp, phát ban quanh miệng, da có dấu hiệu đỏ và sần có thể là do bạn bị viêm da mà thôi. 

Phòng tránh: Xem xét lại các loại phấn, kem trang điểm hoặc kem dưỡng da của bạn. Các loại kem chống lão hóa thường có chứa retin-A (một chất làm mềm da khá tốt có thể thẩm thấu sâu vào trong da và giúp loại bỏ các tế bào da chết, từ đó hình thành lại các tế bào mới, mạnh khỏe) có thể làm cho tình trạng viêm da trầm trọng thêm. Mụn xung quanh miệng cũng có thể là biểu hiện của sự thiếu hụt vitamin, như vitamin C và sắt nên cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng này.

Mụn ở cằm

Hầu hết những người thấy mụn xuất hiện ở cằm đều có vấn đề về nội tiết. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tin rằng đó là do hóa chất trong sơn móng tay (vì phụ nữ có xu hướng chạm móng tay vào cằm nhiều nhưng không hề biết).

Phòng tránh: Nếu nguyên nhân là do nội tiết tố thì đáng tiếc là bạn không thể "xử lý" được nhiều, tốt nhất nên đến gặp các chuyên gia. Còn nếu là do hóa chất của sơn móng tay thì chị em nên hạn chế tiếp túc móng tay với cằm hoặc bất kì bộ phận nào trên mặt để hạn chế mụn.

Mụn ở cổ
 
Rất ít người nhận ra rằng dầu gội lại có thể là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mụn ở đầu, cổ, gáy... Các chất bảo quản và nước hoa trong dầu gội có thể gây kích ứng da
Phòng tránh: Nếu bạn có mái tóc dài thì buộc tóc vào ban đêm để tránh tiếp xúc với da. Ngoài ra, nên sử dụng dầu gội có ít hóa chất càng tốt.
 
 
Mụn ở chân
 
Nếu bạn có mụn trên chân, nguyên nhân phổ biến nhất là viêm nang lông. Điều này bắt đầu khi các nang lông bị ứ lại do ma sát từ quần áo. Trong hầu hết trường hợp, các nang này bị tắc sau đó gây bệnh viêm nang lông.
 
Phòng tránh: Sau khi tẩy lông, điều quan trọng là tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm để ngăn chặn tắc lỗ chân lông. Nếu bị viêm thì nên dùng chất khử trùng để tránh nhiễm trùng ngày càng nặn
 
Mụn ở lưng
 
Mụn ở lưng thường xuất hiện do mồ hôi đọng lại trong lúc thể dục. Ngoài ra, ma sát gây ra bởi túi xách tay của bạn hoặc ba lô đeo trên vai cũng có thể chặn sự thoáng khí của lỗ chân lông và gây ra mụn trên vai.
 
Phòng tránh: Tắm ngay lập tức sau tập thể thao, tốt hơn bằng cách sử dụng sữa tắm có chất kháng khuẩn nhẹ. Khi đeo ba lô hoặc túi xách nên đảm bảo không quá nặng để không gây áp lực lên vùng da ở vai.