TS-BS Văn Thế Trung, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết, các phòng khám chuyên khoa da liễu thường xuyên tiếp nhận những ca bị mụn trứng cá đỏ, cả nam lẫn nữ, trong độ tuổi trưởng thành đến trung niên. Mụn trứng cá đỏ có nhiều nguyên nhân, nhưng thường do cơ địa, người có vấn đề về nội tiết, tuyến bã nhờn tăng tiết cùng với vi khuẩn thường trú trên da hoạt động mạnh.
Mụn trứng cá đỏ không hề tạo nhân, không có cồi mụn. Ở giai đoạn đầu, trên mũi xuất hiện những sẩn mụn nhỏ, có màu đỏ hoặc không. Sau đó cả vùng mũi chuyển sang màu đỏ, mạch máu bị giãn nhìn li ti như có những con trùn chỉ bò trên mặt, tăng tiết bã nhờn cả vùng mũi, trán và cằm. Tiếp đó, mũi to lên, bề mặt nhấp nhô vì có những cục sẹo xơ cứng. Ở nam giới, bã nhờn tiết nhiều hơn, lỗ chân lông to hơn nên tỷ lệ tạo thành “mũi lân” nhiều hơn nữ giới
Thông thường, nguyên nhân khiến bệnh tăng nặng và để lại di chứng là do sai lầm của người bệnh: chủ quan không đi khám và điều trị sớm. Trầm trọng hơn, việc thường xuyên nặn, hút mụn khiến các lỗ chân lông ngày càng nở to, các tế bào da bị tổn thương và xơ cứng. Tự ý đắp mặt nạ trái cây để điều trị không mang lại hiệu quả, thậm chí còn làm da bị tổn hại. Một số người có đi khám nhưng không kiên trì, bỏ giữa chừng cho đến khi mũi bị sẹo, biến dạng mới tiếp tục điều trị.
TS-BS Văn Thế Trung nhấn mạnh, điều quan trọng nhất khi điều trị mụn trứng cá đỏ là phải kiên trì và có sự kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp. Trước tiên cần có thuốc thoa và thuốc uống kháng sinh lẫn kháng viêm. Cần điều trị khoảng tám tuần thuốc mới đáp ứng và có hiệu quả. Sau đó, tùy từng trường hợp có thể vẫn phải duy trì dùng thuốc. Song song đó cần kết hợp điều trị giãn mạch máu. IPL và laser màu là hai phương pháp hiệu quả để xử lý “những con trùn chỉ”. Chúng làm đông mạch máu và vằn đỏ biến mất. Nếu vùng mũi đã bị sẹo thì cần phối hợp điều trị giảm sẹo bằng laser CO2 vi điểm hoặc cắt đốt. Tùy từng mức độ sẹo mà có số lần điều trị phù hợp, nếu ở mức độ trung bình thì khoảng ba đợt. Kết quả điều trị tốt nhất cũng không thể đưa da trở lại trạng thái ban đầu. Đặc biệt, nếu đã biến dạng thành mũi lân thì chỉ có thể điều trị để thuyên giảm chứ không thể mất hẳn.