Tên khoa học: Hoàng liên chân gà (Coptis teeta Wall.) và một số loài Hoàng liên khác (Coptis teetoides C.Y.Cheng., Coptis chinensis Fronclo.), họ Hoàng liên (Ranunculaceae). 

Mô tả:

Cây: Cây thảo sống nhiều năm, cao tới 40cm; thân rễ phình thành củ dài, đôi khi phân nhánh có đốt ngắn. Lá mọc thẳng từ thân rễ, có phiến hình 5 góc, thường gồm ba lá chét; lá chét giữa có cuống dài hơn, chia thuỳ dạng lông chim không đều; các lá chét bên hình tam giác lệch chia hai thuỳ sâu, có khi rời hẳn; cuống lá dài 8-18cm. Cụm hoa ít hoa; hoa nhỏ màu vàng lục; 5 lá đài hẹp, dạng cánh hoa; 5 cánh hoa nhỏ hơn lá đài; nhị nhiều, khoảng 20; lá noãn 8-12, rời nhau cho ra những quả đại dài 6-8mm, trên cuống dài. Mùa hoa tháng 2-4, mùa quả tháng 3-6. 

Dược liệu: Thân rễ là những mẩu cong queo,  dài 3 cm trở lên, đường kính 0,2 – 0,8 cm, có nhiều đốt khúc khuỷu và phân nhiều nhánh. Mặt ngoài màu vàng nâu hay vàng xám, mang vết tích của rễ con và cuống lá. Chất cứng rắn, vết bẻ ngang không phẳng, phần gỗ màu vàng tươi, tia ruột có chỗ rách, phần vỏ và ruột màu vàng đỏ, cũng có khi rỗng. Không mùi, vị rất đắng và tồn tại lâu.

Bộ phận dùng: Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng liên chân gà (Coptis teeta Wall.) và một số loài Hoàng liên khác (Coptis teetoides C.Y.Cheng., Coptis chinensis Fronclo.)

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng kháng khuẩn: Hoàng liên và 1 trong các hoạt chất của nó là Berberine, có phổ kháng khuẩn rộng trong thí nghiệm. Có tác dụng ức chế mạnh đối với Streptococcus  pneumoniae, Neisseria meningitidis và Staphylococcus aureus. Thuốc có tác dụng ức chế mạnh đối với khuẩn gây lỵ nhất là Shigella dysenteriae và S. flexneri. Thuốc có hiệu quả hơn thuốc Sulfa nhưng kém hơn Streptomicine hoặc Chloramphenicol. Thuốc không có tác dụng đối với Shigella sonnei, Pseudomonas aeruginosa và Salmonella paratyphi. Nước sắc Hoàng liên có hiệu quả đối với 1 số vi khuẩn phát triển mà kháng với Streptomicine, Chloramphenicol và Oxytetracycline hydrochloride. Nhiều báo cáo khác cho thấy độ hiệu quả khác biệt của Hoàng liên đối với vi trùng lao, nhưng không có tác dụng giống như thuốc INH. Hoạt chất kháng khuẩn của Hoàng liên thường được coi là do Berberine. Khi sao lên thì lượng Berberine kháng khuẩn thấp đi (Chinese Herbal Medicine).

+ Tác dụng kháng Virus: Thí nghiệm trên phôi gà chứng minh rằng Hoàng liên có tác dụng đối với nhiều loại virus cúm khác nhau và virus Newcastle (Chinese Herbal Medicine).

+ Tác dụng chống nấm: Trong thí nghiệm, nước sắc Hoàng liên  có tác dụng ức chế nhiều loại nấm. Nước sắc Hoàng liên  và Berberine tương đối có tác dụng mạnh diệt Leptospira (Chinese Herbal Medicine).

+ Tác dụng kháng viêm: Lịch sử nghiên cứu chất Granulomas gây ra bởi dầu cotton trên chuột nhắt cho thấy chất Berberine làm gia tăng đáp ứng kháng viêm của thể. Chất Ethanol chiết xuất của Hoàng liên có tác dụng kháng viêm khi cho vào tại chỗ, nó làm cho chất Granulomas co lại. Hiệu quả này giống như tác dụng của thuốc Butazolidin (Chinese Herbal Medicine).